12/04/2021
Ngày 07.04.2021 và ngày 08.04.2021 đã diễn ra buổi Workshop TRILA Việt Nam về giảng dạy và nghiên cứu Luật Quốc tế tại ASEAN với sự tham gia của nhiều học giả tại các nước trong khu vực. Vào ngày đầu tiên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Vũ Nam đã phát biểu khai mạc và chào mừng các diễn giả, học viên và kỳ vọng workshop có thể trở thành một diễn đàn trao đổi học thuật thường niên về Luật Quốc tế cho các giảng viên và nghiên cứu viên tại Việt Nam. Workshop đã mở đầu bằng phần thảo luận bàn tròn về việc giảng dạy và nghiên cứu Luật Quốc tế tại các nước ASEAN, với sự tham gia của Tiến sĩ Đào Gia Phúc và Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Việt Dũng đến từ Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Salawati Mat Basir đến từ Malaysia, Phó Giáo sư Tiến sĩ Arie Afriansyah đến từ Indonesia, Cô Dany Channraksmeychhoukroth đến từ Cambodia và Tiến sĩ Usanee Aimsiranun đến từ Thái Lan. Buổi trao đổi diễn ra sôi nổi về những thách thức chung mà các quốc gia phải đối mặt, bao gồm cả rào cản ngôn ngữ và những khó khăn trong việc tiếp cận cơ sở dữ liệu nghiên cứu đắt tiền từ các trường đại học có nguồn lực hạn chế.
Sau đó, các chuyên gia bao gồm Tiến sĩ Trịnh Thục Hiền từ trường Đại học Kinh tế – Luật, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Yến từ trường Đại học Luật Hà Nội, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thăng Long từ trường Đại học Luật Tp.HCM chia sẻ về các chủ đề khác nhau, bao gồm lựa chọn tài liệu, phương pháp nghiên cứu và giảng dạy, công bố khoa học. Buổi hội thảo cũng đưa ra những so sánh về nội dung giáo trình Luật quốc tế của Việt Nam với giáo trình của các quốc gia khác trên thế giới.
Ngày thứ hai tại Hội thảo TRILA Việt Nam, các giảng viên, học giả tại Việt Nam trình bày về những nghiên cứu của mình và nhận các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia về Luật Quốc tế ở khu vực: Giáo sư Tony Anghie, Tiến sĩ Tara Maria Davenport và Tiến sĩ Cheah Wui Ling từ Khoa Luật NUS, Tiến sĩ Đào Gia Phúc và Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Việt Dũng đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về Luật Biển và Luật Hình sự Quốc tế và các lĩnh vực chuyên môn tương ứng.
TRILA Việt Nam là cơ hội quy báu để các chuyên gia không chỉ ở Việt Nam mà còn các quốc gia khác trên thế giới trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu Luật Quốc tế. Workshop là nền tảng cho sự hợp tác, kết nối và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực Luật Quốc tế.
Nguồn: Centre for International Law (CIL)
——
Thông tin khác, vui lòng truy cập tại: https://www.facebook.com/CentreForInternationalLaw/