Trường Đại học Kinh tế – Luật là một đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Tp.HCM (ĐHQG-HCM) được thành lập theo quyết định số 377/QĐ/TTg ngày 24 tháng 03 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQG Tp.HCM (được thành lập ngày 06/11/2000 theo quyết định số 441/QĐ/ĐHQG/TCCB của Giám đốc ĐHQG-HCM). Trường Đại học Kinh tế – Luật hiện nay là một trong những đơn vị đào tạo chuyên ngành luật có uy tín ở Việt Nam, và là một trong ba cơ sở đào tạo luật lớn ở Tp. Hồ Chí Minh.[1]

Tuy mới đào tạo ngành luật khoảng 15 năm (từ năm 2004) nhưng uy tín của Trường Đại học Kinh tế-Luật (tiền thân là Khoa Kinh tế) đã được nâng cao. Hàng năm, sinh viên của ngành có điểm chuẩn đầu vào cao nhất nhì trong các trường đào tạo ngành luật của khu vực phía Nam (tính từ Huế đến Cà Mau). Hiện tại đã có 11 khóa sinh viên ra trường và đạt tỷ lệ có việc làm ngay sau khi ra trường khá cao (95%). Đặc biệt, có không ít các cựu sinh viên ngành luật hiện là trưởng văn phòng luật hay giám đốc các công ty luật có uy tín. Một số khác là những luật sư có năng lực, có kỹ năng nghề vững vàng, được thị trường đánh giá cao và không ngừng góp phần vào quá trình phát triển đội ngũ luật sư, luật gia ở Việt Nam. Ngoài ra, một số lượng không nhỏ các cựu sinh viên đang công tác tại các cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng như tự lập doanh nghiệp và điều hành các công ty trong và ngoài nước.

Bên cạnh việc đào tạo chương trình đại học chính quy chung, Trường Đại học Kinh tế – Luật đã và đang thực hiện chương trình đào tạo tiên tiến – lớp cử nhân tài năng và cử nhân chất lượng cao. Ngoài thực hiện các mục tiêu đào tạo chung, sinh viên các chương trình học này được đào tạo theo hướng nghiên cứu, làm các bài tập nâng cao chuyên sâu, bài tập nhóm mang tính nghiên cứu. Đặc biệt đối với hệ đào tạo sau đại học, chương trình Cao học Luật kinh tế của Trường bắt đầu từ năm 2009, chương trình cao học Luật Dân sự và Tố tụng Dân sự năm 2013 và từ năm 2014 Trường Đại học Kinh tế – Luật đã được giao nhiệm vụ đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Luật Kinh tế. Dự kiến trong năm 2020 Trường được đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành luật dân sự và tố tụng dân sự. Đến nay đã có 33 nghiên cứu sinh đang theo học, trong đó có 11 nghiên cứu sinh đang trong giai đoạn hoàn tất luận án, số còn lại đang thực hiện nghiên cứu theo đề cương được duyệt. Hiện tại Trường Đại Học Kinh tế – Luật còn có các chương trình liên kết đào tạo do các trường Đại học uy tín của quốc tế cấp bằng, gồm Chương trình thạc sĩ Luật Dân sự với Trường ĐH Panthéon – Sorbonne (Paris I); Chương trình thạc sĩ Luật kinh doanh quốc tế với Trường ĐH  Đại học Panthéon – Assas (Paris II); Chương trình Tiến sỹ liên kết với Trường Đại học Lille.

Mặc dù đã đạt được thành quả đáng khích lệ để nâng cao vị thế của Trường nhưng thời gian vừa qua Trường Đại học Kinh tế – Luật nói chung vẫn nhận thấy rằng hoạt động nghiên cứu khoa học và quá trình đào tạo bậc cử nhân cũng như các chương trình sau đại học về luật cần phải được tiếp tục đổi mới và phát triển không chỉ chiều rộng mà cả chiều sâu mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng nguồn nhân lực của ngành luật trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh tự do hóa thương mại, các nền văn minh ngày càng xích lại gần nhau, các mối liên hệ trở nên mật thiết hơn, tư duy pháp lý và các hệ thống pháp luật ngày càng gần nhau hơn. Trong giảng dạy và nghiên cứu pháp luật, cần phải có cách nhìn đa chiều, cách tiếp cận đa chiều, và sự hiểu biết nhất định về những nguyên tắc, nguyên lý cơ bản của các hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, theo khảo sát sơ bộ, tại Việt Nam hiện chỉ có Viện Luật So sánh tại trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập nhằm cung cấp không gian để các nhà nghiên cứu, thực hành pháp luật và học viên, sinh viên có thể phát triển các ý tưởng pháp lý phục vụ cộng đồng, đồng thời tập trung vào các vấn đề đã và đang diễn ra trong và ngoài nước, khu vực và trên thế giới. Đến nay, một Viện tương tự chưa được thành lập tại các cơ sở đào tạo luật khu vực phía Nam.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, bên cạnh những mảng nghiên cứu vốn là thế mạnh của nhà trường như pháp luật về dân sự, hợp đồng, thương mại quốc tế, đầu tư, kinh doanh thương mại, đất đai, pháp luật cạnh tranh, pháp luật sở hữu trí tuệ, pháp luật về tài chính-ngân hàng, chế định vật quyền, trái quyền, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng pháp luật về hôn nhân gia đình, tư pháp quốc tế, tố tụng dân sự, tố tụng trọng tài, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về thủ tục dân sự rút gọn, pháp luật về quản trị công ty, định hướng của nhà trường cũng tập trung vào mảng luật quốc tế và luật so sánh với các quốc gia trên thế giới tập trung đông cộng đồng người Việt Nam làm việc và sinh sống. Cụ thể, những vấn đề như di trú, hôn nhân – gia đình và thừa kế đối với công dân Việt Nam tại nước ngoài: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, Pháp, Đức, Úc… cũng như các vấn đề liên quan đến những trở ngại về mặt pháp lý mà hàng hóa Việt Nam thường vấp phải khi tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN liên quan đến các quy định về hợp đồng thương mại quốc tế, hàng rào kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, phòng vệ thương mại và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, … Ngoài ra, các vấn đề thường trực và kinh điển của pháp luật tư như hợp đồng, giải quyết tranh chấp quốc tế, tố tụng dân sự quốc tế, tư pháp quốc tế cũng như các vấn đề cấp thiết và thời sự như pháp luật trên nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0, các lý thuyết mới, hiện đại về pháp luật dân sự – thương mại… cũng là mảnh đất màu mỡ cần tiếp tục được đầu tư nghiên cứu chuyên sâu.

Chính vì vậy, với chiến lược phát triển thành một trong những cơ sở đào tạo theo hướng nghiên cứu có uy tín trong nước và khu vực, việc thành lập Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh với chức năng nghiên cứu, đào tạo ngắn hạn, tư vấn, tìm kiếm và khai thác các dữ liệu pháp luật trong và ngoài nước là việc làm cần thiết bởi những lý do sau đây:

  • Thứ nhất, hỗ trợ thiết thực cho việc nghiên cứu và giảng dạy luật ở trường Đại học Kinh tế – Luật, tạo ra sự khác biệt trong phương thức đào tạo và nghiên cứu của nhà trường nói riêng và của ĐHQG-HCM nói chung. Các giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên các ngành luật có thể khai thác, sử dụng các dữ liệu, thông tin về luật Quốc tế và So sánh để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, viết sách tham khảo/chuyên khảo, giáo trình, bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước; thực hiện các chuyên đề khoa học và viết luận án tiến sỹ luật học, luận văn thạc sỹ luật học, khóa luận tốt nghiệp hoặc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, các bài thuyết trình, bài tập nhóm, …
  • Thứ hai, tận dụng và tối đa hoá được các mối quan hệ hợp tác của nhà trường trong lĩnh vực luật với các đối tác là các trường đại học uy tín trên thế giới để phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại trường. Viện cũng sẽ là cầu nối giới thiệu tài liệu, sách tham khảo, tài liệu nghiên cứu liên quan đến chuyên ngành pháp luật do các giảng viên, nhà nghiên cứu trong và ngoài trường biên soạn đến với độc giả. Qua hệ thống dữ liệu của Viện, các sản phẩm, kết quả nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên như: đề tài nghiên cứu khoa học, sách tham khảo, chuyên khảo, giáo trình, luận án, luận văn, khóa luận tốt nghiệp… sẽ được giới thiệu rộng rãi đến với cộng đồng và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có nhu cầu sử dụng kết quả nghiên cứu. Từ đó, giúp cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực luật tại Trường Đại học Kinh tế – Luật gắn với thực tiễn, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và hội nhập trong lĩnh vực luật.
  • Thứ ba, Viện là đại diện có chức năng tìm và kêu gọi nguồn tài trợ tài liệu học tập và nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên ngành luật.
  • Thứ tư, Viện sẽ hỗ trợ thiết thực cho việc áp dụng luật và nghiên cứu luật của các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu sử dụng và khai thác nguồn dữ liệu liên quan đến chuyên ngành pháp lý, từ đó tăng cường sự hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế – Luật và các trường có đào tạo luật ở khu vực và thế giới.
  • Thứ năm, Viện đóng vai trò tích cực trong việc tham vấn chính sách cho UBND Thành phố và các tỉnh thành trong cả nước, các ban ngành Trung ương và địa phương, tham vấn công tác lập pháp cho Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát  nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp… cũng như tham vấn tư pháp cho tòa án các cấp khi tòa án thụ lý các vụ việc có yếu tố nước ngoài hoặc áp dụng pháp luật nước ngoài.
  • Thứ sáu, Viện cung cấp các dịch vụ pháp lý như dịch thuật tài liệu chuyên khảo, văn bản luật, cung cấp các tham vấn cho cá nhân, tổ chức (đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước) khi có nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu về pháp luật nước ngoài; cũng như cho doanh nghiệp nước ngoài khi muốn tìm hiểu về luật Việt Nam.

[1] Ở Tp.HCM, có 3 trung tâm đào tạo luật lớn là Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Luật, và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM