Ngày 23/03/2023, Trường Đại học Kinh tế – Luật (UEL) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức “Hội thảo Các vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại” với sự tham dự của hơn 200 đại biểu trong và ngoài nước thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng, UEL; TS. Đào Gia Phúc – Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, UEL; PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trưởng khoa, Khoa Luật, UEL; PGS.TS. Ngô Hữu Phước – Phó trưởng khoa, Khoa Luật Kinh tế, UEL; TS. Lê Nguyễn Gia Thiện – Trưởng Nhóm nghiên cứu Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Phó trưởng khoa, Khoa Luật, UEL; TS. Thái Thị Tuyết Dung – Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, UEL; GS. Masako Miyatake – Giáo sư Đại học Luật Keio, Cố vấn đặc biệt của Blakemore & Mitsuki, Phó Tổng Thư ký Trung tâm giải quyết tranh chấp quốc tế Nhật Bản (JIDRC); Luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký, VIAC; Bà Ủ Thị Bạch Yến – Nguyên Thẩm phán Tòa Kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC; Luật sư Trần Duy Cảnh – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt, Trọng tài viên VIAC; Luật sư Nguyễn Quốc Vinh – Trọng tài viên VIAC; Bà Trần Bảo Ngọc – Phó trưởng Ban xúc tiến đào tạo VIAC và giảng viên, luật sư trong nước, quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Vũ Nam nhấn mạnh Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, thảo luận về những vấn đề lí luận, thực tiễn liên quan đến việc áp dụng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài trong thời gian qua; đồng thời, Hội thảo sẽ góp phần triển khai định hướng nghiên cứu pháp luật kinh doanh thương mại trong nền kinh tế số của UEL.
Hội thảo được chia làm hai phiên. Tại phiên đầu tiên, 04 bài tham luận được trình bày bởi các chuyên gia trong và ngoài nước bao gồm (i) Xu hướng phát triển của các loại tranh chấp thuộc thẩm quyền xét xử của trọng tài trên thế giới TS. Lê Nguyễn Gia Thiện trình bày; (ii) Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về các loại tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài do LS Châu Việt Bắc trình bày; (iii) Thẩm quyền của trọng tài và Tòa án đối với các tranh chấp đặc thù do Bà Ủ Thị Bạch Yến và LS. Trần Duy Cảnh trình bày; (iv) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài theo luật trọng tài Nhật Bản – Quy định và thực tiễn áp dụng do GS. Masako Miyatake trình bày. Tại Việt Nam, phương thức trọng tài ngày càng phổ biến và được cộng đồng doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn khi giải quyết các tranh chấp. Theo thống kê của VIAC, năm 2022, tổng số vụ được thụ lý tại VIAC đạt gần 300 vụ, tăng đáng kể so với giai đoạn trước. Số liệu này đã cho thấy được mức độ tin tưởng cũng như tính hiệu quả mà phương thức trọng tài mang đến cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, tính phức tạp của các vụ việc cũng dần tăng lên. Thông qua các tranh chấp, thực tiễn tiến hành tố tụng trọng tài luôn nảy sinh nhiều bất cập và tranh cãi.
Phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi với sự điều phối của Luật sư Nguyễn Quốc Vinh, các ý kiến và lí luận liên quan đến việc áp dụng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài tại Việt Nam cũng như Nhật Bản và một số quốc gia trên thế giới. Hội thảo đã khép lại và nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ chuyên gia tham dự cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại 2010.
(Nguồn hình ảnh: Phòng Truyền thông UEL)